Phượt Tam Đảo – Mọi thứ cần biết cho chuyến phượt cuối tuần

Khu du lịch Tam Đảo cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km bao gồm 50 km theo quốc lộ 2 và khoảng 24 km theo đường quốc lộ 2B trong đó có 13 km đường đèo. Tam Đảo có nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Từ lâu đây đã là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nước, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu. Nhiều nhóm các bạn trẻ cũng lựa chọn phượt Tam Đảo cho hành trình vui chơi mỗi dịp cuối tuần.

Phượt Tam Đảo, những điều cần biết
Tam Đảo -Địa điểm phượt lý tưởng từ Hà Nội

I. Giới thiệu cung đường

1. Đi phượt Tam Đảo vào thời gian nào?

Tam Đảo có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình là 18°C – 25°C. Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9, Tam Đảo là nơi nghỉ mát lý tưởng với sự luân chuyển rõ rệt 4 mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của mùa đông. Vào mùa đông, nơi đây mang đến một vẻ đẹp lãng mạn và trầm lắng với những đám sương mù dày đặc, phủ kín cả đất trời.

Thị trấn Tam Đảo, địa điểm phượt lý tưởng
Thị trấn Tam Đảo

Với khí hậu đặc biệt như vậy, bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn phượt Tam Đảo vào mùa hạ hoặc mùa đông để có những trải nghiệm khác biệt

2. Lộ trình từ Hà Nội tới Tam Đảo

Tam Đảo cách Hà Nội khoảng 80km nên nếu bạn đi từ Hà Nội đi với tốc độ trung bình thì bạn sẽ mất khoảng 3 tiếng để lên đến được đây.

Bạn có thể cân nhắc chuyện bắt đầu di chuyển tới Tam Đảo từ chiều hôm trước hoặc nếu đi vào buổi sáng thì bạn nên đi từ tức 6g sáng để kịp lên tới đây lúc 9g. Vào lúc đó trời sẽ thoáng đãng, mát mẻ và khi lên tới Tam Đảo thì sương đã kịp tan – đảm bảo an toàn và sức khỏe cho bạn.

Cung đường đi phượt Tam Đảo từ Hà Nội
Trên cung đường phượt đi Tam Đảo

Đường đi từ Hà Nội lên Tam Đảo không quá khó nhưng cũng cần lưu ý cho những ai tay lái kém hoặc mới đi lần đầu. Bởi cung đường đi lên Tam Đảo từ Hà Nội không có quá nhiều đồi núi hay địa hình xấu nhưng lại có nhiều đoạn đường nhỏ và khá dốc. Đường đi lại ít đèn và không được dùng còi cộng thêm sương mù luôn có mặt vào sáng sớm sẽ là những lý do khiến bạn cần cân nhắc để đảm bảo thời gian di chuyển và ăn toàn của chuyến đi.

Cung đường từ Hà Nội lên Tam Đảo bạn có thể đi như sau:

  • Từ Nội Thành Hà Nội đi tới đường Phạm Văn Đồng đi thẳng qua cầu Thăng Long. Lưu ý là cầu Thăng Long tầng trên chỉ dành riêng cho ô tô nên nếu đi xe máy bạn phải đi tầng dưới để tránh vi phạm luật giao thông.
  • Sau khi qua cầu bạn đi thẳng theo hướng cao tốc Nội Bài, tới trạm soát vé cách sân bay khoảng 2km rẽ trái để tới quốc lộ 2 (hướng đi Vĩnh Yên)
  • Tiếp tục đi thêm khoảng 20km sẽ tới được đoạn cuối của thành phố Vĩnh Yên, rẽ phải vào Quốc lộ 2B, tới cuối đường Quốc lộ 2B chính là lối vào Tam Đảo

Chú ý: Hướng dẫn chạy xe trên đoạn đường dốc

Do con đường đi từ Hà Nội tới Tam Đảo không được đẹp nên khi đi đường bạn nên chú ý vào những biển báo bên đường để hiểu rõ hơn về quãng đường mình đang đi. Nhất là con đường này lại có những con dốc với độ dốc khác nhau nên việc leo dốc trở nên rất quan trọng. Một nguyên tắc rất nhiều người áp dụng thành công và bạn nên nhớ đó là: 

Hướng dẫn chạy xe lên xuống các đoạn dốc khi đi phượt Tam Đảo
Hướng dẫn chạy xe số trên cung đường dốc khi đi phượt Tam Đảo
  • Khi bắt đầu lên dốc bạn nên có độ tăng tốc vừa phải để có đà đi qua dốc. Sau khi đi qua đoạn đường ban đầu sẽ đến đoạn dốc thẳng đứng với độ nghiêng lớn hơn. Lúc này bạn sẽ bắt buộc phải về số thấp để có lực đẩy để vượt qua dốc.
  • Tuyệt đối không bao giờ chuyển số giữa dốc vì khả năng chết máy hoặc trôi xe xuống là rất cao.
  • Luôn quan sát gương cầu lồi bên đường để đảm bảo an toàn khi di chuyển.
  • Khi tới gần đỉnh dốc thì tuyệt đối cũng không chuyển số mà chỉ giảm ga xuống để xe tự đi qua đỉnh dốc. 
  • Khi xuống dốc tuyệt đối không để xe trôi tự do vì sẽ làm hại đến xe, ngoài ra còn dễ bị đứt phanh xe nhanh chóng. Cũng như khi lên dốc bạn không nên chuyển số khi đang giữa chừng con dốc và nên dùng thêm cả hai phanh để giảm tốc độ từ từ theo ý bạn.
  • Theo kinh nghiệm của những phượt thủ Tam Đảo có kinh nghiệm thì bạn nên lên đầu dốc với số 4 rồi lên đến số 2 để qua đỉnh dốc. Bởi nếu ngay ban đầu bạn đi với số 2 hoặc 3 thì khi qua đỉnh dùng số 1 vẫn sẽ bị đuối hơn.

Theo kinh nghiệm từ nhiều người đã từng phượt Tam Đảo bằng xe máy thì các bạn nên đi số 2 khi lên dốc bởi đường đi có rất nhiều khúc cua nguy hiểm. Nên bấm còi hoặc bật đèn pha ở những cung đường khuất hay mây mù che tầm nhìn.

II. Hành trang chuẩn bị

Bạn nên lưu ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe, gương chiếu hậu cũng như đặc biệt kiểm tra để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối trước khi lên đường. Tốt nhất bạn nên đi với tốc độ vừa phải cũng như tránh ôm cua quá rộng ở những khúc cua.

Xăng xe luôn được đổ đầy trước khi xuất phát. Nếu có điều kiện hãy mang một bình xăng dự trữ.

Trước chuyến đi nên đi bảo dưỡng toàn bộ xe để đảm bảo không có những trục trặc đáng tiếc xảy ra trên đường đi.

Hành trang đi phượt Tam Đảo
Hành trang nên có khi đi phượt

Do thời tiết ở đây khá lạnh vào sáng sớm và đêm, trên đường đi hay có sương mù nên bạn nhớ mặc áo dài tay, hoặc áo gió để vừa giữ ấm vừa tránh bị sương làm ướt người.

Luôn có thêm một đôi dép lê và áo khoác gió dự phòng. Nên mang theo áo mưa loại bộ và ủng đi mưa phòng lúc trời mưa.

Mang theo một số loại thuốc cơ bản: đau đầu, hạ sốt, thuốc xoa bóp, dầu gió,…

Nên dùng mũ bảo hiểm che chắn tốt, có kính, kín gió để đảm bảo sự an toàn khi có va chạm xảy ra, cản bụi, cản gió trên đường đi.

Nên mặc quần áo thoải mái, dễ cử động – ưu tiên quần thô, áo vải mềm thấm hút mồ hôi tốt, thoáng, đi giày bít chân để đảm bảo an toàn khi có va chạm.

III. Ăn gì, ở đâu?

1. Ăn gì?

Các món ăn ngon không thể bỏ qua mà lại rất dễ tìm thấy tại Tam Đảo cho chuyến phượt của bạn:

a. Rau và quả su su:

Rau Su Su xào tỏi ở Tam Đảo
Đặc sản Tam Đảo – Rau và quả Su Su

Tam Đảo không chỉ có khí hậu mát mẻ, nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với trồng rau Su Su.. Rau, quả Su Su luộc chấm với muối vừng, muối lạc là món khai vị ưa thích trong tất các các mâm cỗ dù là người bình dân hay khách hàng sang trọng. Trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Tam Đảo không thể không có món rau Su Su xào hoặc luộc.

b. Gà nướng Tam Đảo:

Gà nướng Tam Đảo
Thưởng thức gà nướng trong không khí se lạnh của Tam Đảo

Gà Tam Đảo chủ yếu là gà tre, gà ri, thả trên núi, vì thời tiết lạnh nên số lượng không nhiều. Vì thế nếu không tinh ý, bạn dễ ăn phải món gà mềm, bở được nhập mua dưới xuôi thường bán ngoài chợ. Gà Tam Đảo rất dai và thơm, được chế thành nhiều món ngon như luộc, hấp, quay, bọc đất nướng… Phổ biến nhất là gà bọc giấy bạc đất nướng và gà nướng mật ong.

c. Cá bống suối Tam Đảo:

Cá bống suối Tam Đảo
Cá bống suối kho tại Tam Đảo

Dân Tam Đảo sử dụng phương pháp đắp đập chăn nuôi để phát triển cá bống suối tự nhiên. Cá bống được lựa chọn để chế biến món ăn là cá bống cát, to bằng món tay, mình tròn lẳn, chắc mẩy, màu vàng nhạt hoặc vàng ươm. Ngày nay, không phải nơi nào cũng tìm được cá bống cát, do đó được thưởng thức loại cá này ở Tam Đảo là một trải nghiệm nên có của thực khách tứ phương. Cá bống cát có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau, món nào cũng hấp dẫn nhờ vị thơm ngọt của thịt cá.

d. Thịt tái bò kiến đốt:

Nghe tên đã thấy lạ tai, ăn càng lạ miệng và cách chế biến thì lại càng độc đáo. Thịt bê mới mổ còn nóng, cắt miếng khoảng 1kg đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Chọc cho lũ kiến trong tổ tức khí bung ra bâu kín vào miếng thịt. Hàng vạn con kiến hung dữ thi nhau cong đuôi đốt vào miếng thịt còn nóng đó cho thật chán chê càng nhiều càng tốt.

Thịt bò tái kiến đốt Tam Đảo
Miếng thịt tái bò kiến đốt với vị ngon lạ miệng tại Tam Đảo

Mỗi miếng thịt đem treo vào tổ mỗi loài kiến khác nhau sẽ được nhiều hương vị khác nhau. Kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt có vị thơm mùi cà cuống… 

Sau đó, các miếng thịt đem về dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi đem thui trên bếp lửa than hồng cho chín tái. Thái miếng mỏng ngang thớ, bày ra đĩa theo từng loại, đặt thứ tự lên mâm để nhắm rượu. Người dân ở đây dùng một loại tương làm từ ngô và đậu, pha thêm gừng băm nhỏ và một chút đường. Khi ăn dùng tay đặt miếng thịt bò trên rau sống, tiếp theo là một lát chuối nhỏ và một chiếc rau ngổ đặt lên trên sau đó cuốn chúng lại nhúng vào bát nước chấm và thưởng thức.

e. Lợn mán:

Mẹt lợn mán Tam Đảo
Một mẹt lợn mán đặc trưng của Tam Đảo

Lợn mán là là loại heo rừng chính gốc nên có thịt rất săn chắc. Lợn mán Tam Đảo được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: món hấp, nướng, xào lăn, rựa mận, tiết canh…thịt lợn mỏng và dai, không siêu nạc, không nhiều mỡ. Ăn không ngấy, không hôi, càng nhai càng ngọt, chế biến món nào cũng thơm ngon, đậm đà.

f. Rượu chít Tam Đảo

Rừng chít cũng là đặc điểm rất riêng của vùng núi đồi Tam Đảo. Cây chít cho lá gói bánh cho hoa râm chổi và còn cho một món ăn đặc sản quý giá. Đó là con sâu chít, một vị thuốc bổ tráng dương, một món ăn quý hiếm thường được ví vơi ‘Đông trùng hạ thảo” trong thuốc bắc của Trung Quốc.

Vào dịp cuối năm, bà con các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan … thưởng vào rừng lấy lá chít về gói bánh đồng thời ảm bắt sâu chít về ngâm rượu gọi là rượu chít. Con sâu chít màu trắng ngà chỉ dài chừng hai đất tay giống như con tằm nhỏ. Mỗi người mỗi buổi luồn rừng dù tích cực cũng chỉ bắt được vài chục con. Con sâu chít đem về có thể thả ngay vào chai với số lượng không hạn chế, đổ đầy rượu ngâm chìm rồi đặt vào góc tủ. Khoảng một tháng sau sẽ trở thành rượu bổ vơi màu trông hơi trắng ngà.

Rượu chít Tam Đảo
Sâu chít là một nguyên liệu ngâm rượu bổ dưỡng, đặc trưng tại Tam Đảo

Những ai cẩn thận và cầu kỳ hơn thì thả sâu chít còn tươi vào nước muối pha loãng, rửa sạch vớt ra cho ráo nước. Dùng gạo nếp thơm cho vào chảo rang vàng rồi rắc lần lượt sâu chít vào tiếp tục đảo cùng gạo nếp đến khi các con sâu chít đều cùng chín vàng như gạo rang thì lấy ra cho vào ngâm rượu hoặc để dành dùng dần. Rượu này có màu vàng bắt mắt và rất thơm ngon.

Con sâu chít Ở Tam Đảo vừa là vị thuốc vừa là thực phẩm quý hiếm và rất bổ dường đối với cả những người mới ốm dậy. Trẻ nhỏ và người già suy dinh đường nếu thường xuyên được bồi dưỡng bằng sâu chít hấp cách thuỷ cùng lòng đỏ trứng gà sẽ rất nhanh lại sức.

Ở đâu tại Tam Đảo:

Tuy thị trấn Tam Đảo khá nhỏ, các phượt thủ dễ dàng lựa chọn cho mình chỗ nghỉ chân. Tại Tam Đảo có khá nhiều nhà nghỉ và khách sạn cho bạn lựa chọn. Những chỗ nghỉ ở đây được xây dựng xung quanh quảng trường trung tâm thị trấn nên rất thuận tiện cho việc thăm quan đây đó.

a. Khách sạn Royal Huy Tam Đảo:

Khách sạn tại Tam Đảo
Khách sạn Royal Huy – Tam Đảo

Với tiêu chuẩn 4 sao, nằm ở trung tâm thị trấn Tam Đảo với tầm nhìn ra toàn cảnh thị Trấn. Khách sạn nổi bật với không gian ấm cúng, sang trọng với 12 tầng và 94 phòng ngủ tinh tế tạo nên một phong cách đầy ấn tượng và đẳng cấp vượt trội.

b. Belvedere Tam Dao Resort:

Resort tại Tam Đảo

Là resort 4 sao có vườn, nhà hàng, quầy bar, tầm nhìn ra cảnh núi non, sân chơi cho trẻ em, lễ tân 24 giờ và WiFi miễn phí. Mỗi phòng nghỉ tại resort này đều được trang bị tủ quần áo, máy điều hòa cũng như phòng tắm riêng.

c. Nam A Hotel:

Khách sạn tại Tam Đảo

Nằm ở huyện Tam Ðảo, Nam A Hotel cung cấp tiện nghi BBQ và Wi-Fi miễn phí trong toàn bộ khách sạn. Mỗi phòng nghỉ tại khách sạn 3 sao này có tầm nhìn ra cảnh núi non, khu vườn và quán bar. Chỗ đỗ xe riêng được bố trí miễn phí trong khuôn viên. Các phòng tại khách sạn có khu vực ghế ngồi và TV màn hình phẳng. Trong phòng tắm riêng có vòi sen và đồ vệ sinh cá nhân miễn phí. Các phòng tại Nam A Hotel có máy điều hòa và bàn làm việc.

d. Chan May Hotel:

Khách sạn tại Tam Đảo

toạ lạc tại thị trấn Tam Ðảo và có tiện nghi BBQ cùng khu vườn. Khách sạn này cung cấp máy rút tiền và dịch vụ giặt hấp. Ngoài ra còn đi kèm tiện nghị tổ chức tiệc cũng như hội họp và chương trình giải trí buổi tối.

e. Up in the Air – Nhà Trên Mây:

Là căn hộ có WiFi miễn phí, bếp nhỏ đầy đủ tiện nghi và sân hiên nằm tại thị trấn Tam Đảo. Căn hộ nhìn ra núi này có 1 phòng tắm với chậu rửa vệ sinh (bidet).

Homestay tại Tam Đảo

Lễ tân căn hộ có thể cung cấp các thông tin hữu ích giúp du khách thuận tiện thăm thú xung quanh. Up in the Air Nha tren may còn có tiện nghi BBQ. Du khách có thể đi bộ đường dài quanh căn hộ nếu muốn khám phá khu vực.

f. May Villa:

Nằm trên diện tích 600 m² và cung cấp chỗ ở với tầm nhìn bao quát ra Tam Đảo. Wi-Fi và chỗ đỗ xe riêng đều được cung cấp miễn phí trong khuôn viên. Biệt thự gắn máy điều hòa này đi kèm với TV màn hình phẳng và đầu đĩa DVD để giải trí.

Homestay tại Tam Đảo

Căn hộ có khu vực ghế ngồi, bếp với lò nướng cùng lò vi sóng. Các tiện nghi khác tại May Villa bao gồm sân hiên tắm nắng và khu vườn với tiện nghi BBQ. Khách có thể chơi bida tại đây.

IV. Những địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến phuợt Tam Đảo:

1. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Trong hành trình phượt của mình, bạn có thể kết hợp trước khi lên Tam Đảo ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).

Thiền Viện Trúc Lâm trên đường đi phượt tới Tam Đảo
Trên đường đi phượt Tam Đảo, các bạn không thể bỏ qua Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện  là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.

2. Quán Gió Tam Đảo

Quán Gió
Quán Gió – Địa điển dừng chân không thể bỏ lỡ nếu bạn có đi phượt Tam Đảo

Một quán cafe nhỏ nằm nhô hẳn ra mặt đường nhựa và ngay trên các vách núi với tầm nhìn vô cùng đẹp cũng như không gian thoáng mát. Quán không có mái che nhưng cho dù ngồi ngay dưới trời nắng cũng không quá khó chịu bởi không khí mát mẻ từ dưới vách núi thổi lên. Một điểm trừ nữa là quán hơi ít bàn và nhân viên cũng không chủ động sắp xếp bàn cho bạn thế nên các bạn nếu muốn có chỗ đẹp thì nên bố trí lên sớm để “giành” chỗ nhé

3. Tháp truyền hình Tam Đảo

Nằm trên đỉnh Thiên Thị có độ cao 1.375 m. Ðường đi lên tuy vất vả nhưng lãng mạn, nên thơ. Dọc đường lên là hoa phong lan, hoa cúc quỳ và các loài hoa dại không tên khác nở đầy lối đi, tỏa hương thơm lạ, mầu sắc rực rỡ… Ở nơi đây nhiều loại bướm đủ mầu rập rờn trên hoa lá, đậu, bay theo du khách như các sứ giả đón khách ghé thăm.

Để lên được tháp, du khách phải leo 1394 bậc đá dốc thoai thoải, tuy không cách trở như đường lên Yên Tử hay chùa Hương nhưng cũng là một hành trình thú vị. Đường lên được bao bọc bởi cây cối hai bên. Người leo tháp vừa đi vừa nghỉ và hít thở không khí trong lành, nói chuyện cho quên đi cái mệt và nghe những âm thanh từ tiềng gió, tiếng chim hót vọng ra từ rừng.

4. Đền Bà Chúa Thượng Ngàn

Đền Chúa là ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, nơi nổi tiếng nhất của cả thị trấn đất đồi Tam Đảo. Theo truyền thuyết, hồi đầu thế kỷ 20, khi Pháp khám phá ra thung lũng xinh đẹp nầy, biến thành nơi nghỉ mát dành cho quan chức của họ, thì họ cho làm các con đường. Khi đó có một nhà thầu phụ người Việt đã bỏ tiền xây đền Chúa. Theo lời truyền khẩu của dân địa phương và một số tư liệu, đây là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn

Có con đường dốc thoai thoải, cảnh trí đẹp, nổi tiếng linh thiêng, đền Chúa thu hút nhiều khách thập phương đến viếng, lễ bái. Hấp dẫn nhất là những ngày mồng Một, ngày rằm hàng tháng, đền Chúa đều có hầu đồng. Trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng phách hối hả rền vang của phường chầu văn là giọng hát qua máy vi âm bổng trầm như kể lể, tha thiết, lê thê của chàng cung văn, các bà, các cô đồng xinh đẹp áo quần lộng lẫy biểu diễn những màn khua hương, múa hoa, múa kiếm, cỡi ngựa… rất mềm mại và điêu luyện.

5. Thác Bạc

Thác Bạc nằm trong địa phận thị trấn Tam Đảo, là thác đẹp nhất có dòng nước trong vắt bắt nguồn từ khe núi len lỏi qua các vòm cây xanh mát. Để đến với dòng thác thơ mộng này, bạn tản bộ đến khu chợ trung tâm thị trấn rồi vòng qua con đường hướng phía đông sẽ gặp đường xuống thác.

Thác Bạc

Đường dẫn xuống thác Bạc không quá dài nhưng cheo leo dựng đứng được thiết kế bằng những bậc tam cấp lót đá xanh. Do đường mở trong núi, một bên núi một bên vực nên thành đường có tay vịn, có một vài điểm để khách dừng nghỉ chân. Hiện nay, dọc đường xuống thác, nhất là vào những ngày cuối tuần khách đến tham quan chật cả đường đi. Cũng dọc con đường này, có rất nhiều hàng nước, bạn có thể dừng chân nghỉ bất cứ lúc nào.

Đặc biệt xuống thác Bạc, bạn như có cảm giác được về với khu rừng nguyên sinh trù phú. Ở đây khí hậu mát mẻ, cây rừng xanh tốt uy nghiêm tỏa bóng. bạn không còn lạ mắt khi thấy những chú chim rừng, chú sóc dạn dĩ quen thuộc bên đường.

6. Nhà thờ đá cổ Tam Đảo

Nhà thờ cổ

Đây là một điểm tham quan khá lý thú, đứng trên nhà thờ cổ bạn cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên Tam đảo rất mộng mơ. Bạn có thể chụp ảnh lưu niệm với bạn bè và người thân của mình. Rất nhiều cặp tình nhân chọn nơi này làm nơi chụp ảnh cưới cho mình.

7. Cổng trời Tam Đảo

Cổng trời Tam Đảo
Cổng trời Tam Đảo

Đây là điểm cao mà bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Tam Đảo, vào những ngày thời tiết trong xanh và hơi se lạnh có thể bạn sẽ nhìn thấy Tam Đảo mờ ảo trong những làn sương. Từ phía nhà thờ, bạn đi thẳng theo con đường trước mặt (hướng về phía đường xuống núi). Đây cũng là nơi các bạn có thể mua các tour khám phá Tam Đảo từ bên ban quản lý Vườn quốc gia.

8. Trekking Tam Đảo 2 và đỉnh Rùng Rình

Có một Tam Đảo rất khác với những ngọn núi nối tiếp nhau khoe mình dưới nắng, những khu rừng xanh mướt tầm mắt, của rừng trúc đẹp như trong mộng, của của những con dốc cao nối tiếp nhau tưởng như vô tận; hay những con đường dưới chân là thảm lá, trên đầu là bóng cây che; là một Tam Đảo của bầu trời xanh rì, của nắng chiều vừa đủ để làm má người con gái ửng hồng

Tam Đảo là dãy núi có chiều dài khoảng 50km, với diện tích 850km2, theo hướng Đông Bắc – Đông Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là 1.591m. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có 3 ngọn núi nhấp nhô ẩn hiện trong biển mây là đỉnh Thiên Thị (cao 1.591m), đỉnh Thạch Bàn (cao 1.420m) và đỉnh Phù Nghĩa (Phù Nghì, Máng Chỉ, cao 1.250m), về độ cao và tên gọi của 3 đỉnh này hiện các nguồn thông tin vẫn chưa thống nhất. Hiện nay, có nhiều tuyến trekking tại Vườn quốc gia Tam Đảo, trong số đó cung đường được lựa chọn nhiều nhất là chinh phục ba đỉnh Tam Đảo.

9. Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Tự)

Chùa Địa Ngục tại Tam Đảo

Chùa Địa Ngục không rõ xây từ thời nào, nhưng theo cuốn Kiến Văn Tiểu lục của Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *